Kỳ 1: Ung thư dưới góc nhìn của một bác sĩ chuyên khoa
Bài viết này tôi soạn ra để giúp cộng đồng ngoài ngành Y hiểu rõ hơn cách mà một bác sĩ tiếp cận một ca Bệnh ung thư, vì khi tham gia một số nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư, tôi thấy “việc bác sĩ suy nghĩ thế nào” vẫn còn là một HỘP ĐEN khó hiểu đối với nhiều người. Khi đã hiểu hơn cách suy nghĩ của bác sĩ thì tôi nghĩ mọi người sẽ thông cảm hơn, hợp tác tốt hơn với bác sĩ để có kết quả tốt nhất.
Sau một thời gian dài nghiên cứu, giờ đây người ta đã biết rằng ung thư xảy ra do các đột biến gene xuất hiện trong suốt thời gian mà tế bào và cơ thể tương tác với các yếu tố gây ung thư ở môi trường bên ngoài.
Các đột biến gene có thể được chia làm nhiều loại, liên quan tới quá trình kiểm soát sự sinh sản và phát triển, di chuyển và xâm lấn của tế bào, cũng như các cơ chế mà cơ thể dùng để loại bỏ các tế bào hư hỏng.
Khi các tế bào phân chia không kiểm soát, phát triển vô tổ chức trong cơ thể, nó có xu hướng tích tụ nhiều sai sót/đột biến gene hơn. Đầu tiên khối u có thể chỉ ở 1 nơi, nhưng sau đó nó xâm lấn và di chuyển tới các bộ phận khác và làm ảnh hưởng tới hoạt động sống của cơ quan/nội tạng đó và gây ra các triệu chứng trên người bệnh.
Điều lưu ý ở đây là khi nói về căn bệnh ung thư, chúng ta chỉ nói thuần túy về khía cạnh sinh học, bệnh học. Nó khác với “Người bệnh ung thư”, là người mắc căn bệnh đó kèm theo những cảm nhận, cảm xúc của một con người.
Một ví dụ điển hình là nhiều bệnh nhân chỉ mới nghe có cục u, khả năng chỉ là u lành tính thôi nhưng mà đã có thể té xỉu rồi. Đó là vì cái nỗi sợ căn bệnh nó còn lớn gấp nhiều lần căn bệnh thực sự.
Về CĂN BỆNH ung thư, Khoa học đã tiến bộ đáng kể trong việc phát triển những phương pháp để đối phó với nó; điển hình là đang có rất nhiều vũ khí để tiêu diệt và kiềm chế khối u, như phẫu thuật cắt bỏ, xạ trị, hóa trị tại chỗ, hóa trị toàn thân, thuốc nhắm đích và gần đây nhất là các phương pháp miễn dịch.
Chúng còn có thể được dùng phối hợp với nhau để cho kết quả tốt hơn. Mặc dù đây là mảng được chú ý nhất từ trước đến giờ, chúng ta không nên quên là có nhiều mảng khác cũng quan trọng không kém như điều trị triệu chứng để bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, hỗ trợ về dinh dưỡng, vận động, tinh thần để nâng cao tổng trạng giúp bệnh nhân theo chương trình điều trị, để “ra chiến trận cầm súng được chắc hơn”.
Tôi có một lần theo đoàn bắn súng thử ở Củ Chi. Tôi thấy nhiều người súng bắn “pàng” thì đạn bay tuốt đi đâu không thấy, nhưng có người đã nằm lăn quay ra đất vì nghe súng giật rồi. Theo đó, chế ngự khối u chỉ là một phần của cuộc chiến với ung thư thôi, chưa kể còn những việc liên quan khác như phòng ngừa, và xử lý các tình huống cấp cứu.
Còn đối với bệnh nhân ung thư, thật sự mà nói họ chịu rất nhiều đau khổ, từ nỗi khổ thực thể (như đau đớn, buồn nôn…) cho tới nỗi khổ tâm lý, tinh thần; ngoài ra còn rất nhiều băn khoăn lo lắng liên quan tới cuộc sống và tương lai bấp bênh.
Như vậy, điều trị tiêu diệt khối u chỉ là một phần của bức tranh tổng thể này, và công việc cũng như thách thức của người bác sĩ lâm sàng và nhóm chăm sóc ở đây là phải làm sao quan tâm hỗ trợ người bệnh một cách toàn diện nhất.
Tôi cũng xin nói thêm thực trạng là đa số nghiên cứu về ung thư chỉ đang tập trung vào việc phát triển vũ khí chế ngự, mà mãi những năm gần đây người ta mới chú ý nhiều hơn tới các vấn đề có tính nhân văn cho bệnh nhân, như làm sao giúp người bệnh tiếp tục đi làm, hòa nhập xã hội, làm sao để người bệnh sống thời gian cuối đời thanh thản ở nhà…
Ngay cả trong Trường Y, hầu hết thời gian là để học (mà học còn chưa hết!) các nội dung về điều trị CĂN BỆNH, vì các yếu tố xã hội xung quanh thường quá phức tạp, không có công thức nào chung để chỉ dạy đại trà. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có quá ít (hầu như không có) network/hệ thống hỗ trợ các vấn đề xã hội cho bệnh nhân ung thư. Người bác sĩ vì thế cũng ngại tiếp cận các vấn đề đó hơn, giả dụ như khi nghe bệnh nhân than mắc nợ nhiều quá, hoặc sắp bị mất việc,…họ không biết phải đối đáp hay giúp đỡ như thế nào.
Nhưng dù gì thì bác sĩ cũng cố gắng điều trị cho người bệnh với những gì mà bác sĩ biết và bác sĩ có. Tôi hay thấy có người lên mạng hỏi “Ông em bị ung thư tụy, có NÊN mổ hay không, có NÊN hóa trị không? Có nên sang Singapore không? Và nhiều người nhảy vào tư vấn nhiệt tình, nói như đúng rồi.
Thật ra, họ không hiểu dùng các vũ khí đó, nên hay không, là một chuyện phức tạp, tùy tình huống mà NGUYÊN TẮC QUAN TRỌNG CỐT LÕI NHẤT là phải “Cân nhắc xem nó có lợi trên tổng thể cho người bệnh hay không. “Tiêu diệt ức chế khối u chỉ là 1 phần trong tổng thể quá trình điều trị và chăm sóc, nó có thể gây hại cho người bệnh trong một số tình huống”. Nó cũng như ví dụ bắn súng thử ở Địa đạo Củ Chi, nếu người ốm yếu mà vẫn ra trận vác thêm cây súng đó nữa thì nghe tiếng súng nổ có khi nằm ngất luôn rồi.
Câu hỏi tiếp theo là “LỢI ÍCH TỔNG THỂ LÀ DO AI QUYẾT ĐỊNH?". Thật ra, đây là câu hỏi khá khó, vì có nhiều trường hợp bệnh nhân không quyết định được, hoặc ý kiến của người thân quá mạnh. Người bác sĩ phải đắn đo nhiều để TƯ VẤN NHỮNG ĐIỀU CÓ LỢI NHẤT TRÊN TỔNG THỂ cho người bệnh.
Như một ví dụ dưới đây là bệnh nhân Nam, 57 tuổi bị ung thư trực tràng, di căn gan (giai đoạn 4) đang tìm kiếm cách chữa bằng hóa trị. Bệnh nhân này có đặc điểm là thích chơi đàn guitar. Giả dụ chúng ta có các số liệu khoa học như đây qua các nghiên cứu lâm sàng, theo đó phương pháp B có kết quả tốt hơn A trong việc kiểm soát căn bệnh, và B vì thế thường là lựa chọn đầu tay, vì bác sĩ nào cũng muốn ưu tiên cái mang lại cơ may cao nhất về thời gian sống. Tuy nhiên, phương pháp B lại CÓ THỂ gây ra tê tay nhiều hơn. Vì bệnh nhân này có động lực sống là chơi nhạc, và muốn tiếp tục cho tới cuối cùng, nên chúng tôi đã thống nhất theo phương pháp A.
Ví dụ này cho thấy ba vấn đề:
Lợi ích tổng thể còn tùy thuộc nhiều thứ, tốt nhất là do bệnh nhân chọn vì họ mới là người thực sự chịu khổ.Bác sĩ có thể không dự đoán điều gì sẽ xảy ra, nhưng không có nghĩa là 50:50 phó thác cho may rủi và chọn gì cũng được. Bác sĩ sẽ chọn phương án mà theo logic, theo xác suất nó DỄ mang lại điều tốt cho bệnh nhân hơn.Trong các nghiên cứu người ta thường ưu tiên công nhận các số liệu về thời gian sống, bệnh ổn định,…Còn các số liệu về tác dụng phụ là đưa thêm để các bác sĩ và bệnh nhân cân nhắc trong thực hành. Nhưng thật ra còn rất nhiều chi tiết không nghiên cứu cùng một lúc được, như chất lượng cuộc sống (QOL), tỉ lệ bệnh nhân phải bán nhà mất việc trên thực tế…Ví dụ, bán nhà sang qua Singapore hay lên thành phố chữa, kết quả tốt thì chưa chắc nhưng người thân sẽ ra sao sau đó?
Như vậy, người bác sĩ sẽ cần nhiều thông tin để nắm rõ căn bệnh, hiểu rõ người bệnh, cân nhắc nhiều điều kiện khác để giúp hướng người bệnh nhân và người nhà tới mục tiêu chung khả thi nhất. Đó chính là lý do mà tôi luôn cảnh báo những người nhà lên mạng hỏi thông tin điều trị với rất ít chi tiết về tình trạng của bệnh nhân. Ngoài ra tôi cũng nghi ngờ những người tích cực vào nhóm hỗ trợ bệnh nhân để quảng cáo thuốc TPCN hay các phương pháp chữa ung thư khi chưa biết gì về người bệnh.
* Tiêu đề do toà soạn đặt
Kỳ 2: Bác sĩ tiếp cận như thế nào khi tiếp nhận bệnh nhân ung thư?
TS.BS Phạm Nguyên Quý là bác sĩ Nội Tổng Quát bệnh viện trung tâm Kyoto Miniren Nhật Bản; Bác sĩ nội trú Ung thư nội khoa, Bệnh viện đại học Kyoto Nhật Bản. Bác sĩ là một trong những người khởi xướng dự án Y học cùng cộng đồng để biên soạn và phổ biến rất nhiều bài viết về bệnh tật, cách bảo vệ sức khỏe với thông tin xác thực, theo hệ thống, tham khảo các website dành cho bệnh nhân uy tín ở nước ngoài.
TS.BS Phạm Nguyên Quý
(Bác sĩ nội trú Ung thư, BV Đại học Kyoto Nhật Bản)